Hà Nội trở lạnh rất thích hợp cho các món ăn nóng, nhẹ nhàng như bún phở, nhất là vào buổi sáng sớm, trước khi bạn chạy vội đi làm, đi học.
Phở gà
Phở vốn là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội. Không đậm đà, dậy mùi như phở bò, phở gà quyến rũ bởi vị thanh thanh của nó. Cũng từng đấy bánh phở, nhưng ăn hết một bát người ta không có cảm giác no nê mà chỉ thấy vừa vặn, đủ ấm bụng cho một buổi sáng se lạnh.
Bát phở gà sóng sánh nước dùng, bắt mắt với màu vàng của thịt, da gà và màu xanh của rau, hành. Ảnh: Đinh Hương |
Ấy là nhờ nước phở của quán ăn, không béo đục như nước xương lợn, không nồng ngấy như xương bò, nước ninh từ xương gà nên màu trong, thanh mà ngọt. Ai không sợ mỡ thì phải nhắc quán để được cho thêm phần nước béo. Nếu không thích mỡ, người bán cứ múc nước trong vào bát cho khách.
Những sợi bánh phở trắng mềm xếp gọn giữa bát làm nổi lên miếng thịt gà mềm nhưng chắc, được thái nhỏ, kèm da màu vàng nhạt. Bát phở được thêm hành lá, mùi ta cùng lá chanh thái chỉ và dăm miếng ớt đỏ tươi. Có nơi còn cho cả tiết, mề hay vài quả trứng non vào bát phở.
Tùy theo sở thích, thực khách có thể gọi phở đùi, phở lườn, phở cánh. Để ăn phở gà ngon, bạn nhớ ghé qua quán trên phố Hàng Điếu, Quán Thánh và Yết Kiêu. Giá chỉ từ 30.000 đồng một bát.
Mì vằn thắn
Theo chân người Hoa vào Việt Nam từ những năm 1930, đến nay mì vằn thắn đã gần như biến đổi hoàn toàn trở thành món ăn của người Việt, làm phong phú thêm nền ẩm thực của thủ đô Hà Nội.
Sợi mì vằn thắn vàng màu trứng gà rất hấp dẫn thực khách. Ảnh: Hương Chi |
Không giống như các món ăn bún, miến, phở mà nước dùng đa phần hầm từ một loại xương, nước dùng mì vằn thắn phải có đủ xương lợn, xương gà, cá tầm khô, vỏ tôm, thuốc bắc…. Các nguyên liệu được ninh nhỏ lửa trong thời gian lâu mới tạo nên được vị hăng đậm đà. Sợi mì phải nhỏ, óng vàng, thơm mùi trứng, khi trần chín vẫn phải giữ được vị dai, không bị mềm, nát.
Người bán xếp mì vào bát, rồi đến miếng trứng luộc, gan, tôm, há cảo, vài miếng vằn thắn, nấm hương, rau cải xanh đã trần sơ rồi mới chan nước dùng. Nguyên liệu thêm sau cùng là một nắm hẹ thái dài cỡ đốt ngón tay.
Bát mì vằn thắn ngon nhất là ăn nóng, bạn nhớ húp nhẹ một thìa nước trước tiên để cảm nhận vị thơm đặc trưng, sau đó mới nếm đến miếng vằn thắn mịn, dai, thơm mùi trứng.
Một số quán mì vằn thắn ngon ở Hà Nội nằm trên phố Hòa Mã, Đinh Liệt, Nguyễn Biểu, Hàng Chiếu với giá 35.000 – 50.000 đồng một bát.
Bún thang
Nhắc tới Hà Nội, không ai có thể không biết tới bún thang. Món ăn này xưa kia chỉ nấu vào những dịp lễ Tết và người ta chỉ ăn khi đông về.
Các nguyên liệu được xếp gọn gàng trong bát bún thang. Ảnh: Hải Khanh |
Một tô bún thang ngon do nước dùng nấu ngọt, trong và không béo, bao gồm nước luộc gà, hành khô nướng, nấm hương và tôm khô. Một số nơi cho thêm sá sùng để tăng vị đậm cho nước.
Khâu chuẩn bị nấu bún thang khá cầu kỳ, lọc xương rồi xé thịt gà thành miếng nhỏ, trứng tráng mỏng, giò lụa và trứng được thái chỉ sẵn, củ cải ngâm mắm. Khi nào ăn chỉ cần bốc bún ra bát rồi xếp lần lượt các nguyên liệu vào, không được lẫn vào nhau.
Bạn muốn tìm ăn bún thang ngon có thể tìm đến quán ở Cầu Gỗ, Hàng Chỉ, Hàng Hòm với giá bán từ 35.000 đồng một bát.
Xem thêm: Những quán lẩu nóng cho ngày gió lạnh ở Hà Nội
Thảo Nguyên
from Du lịch - VnExpress RSS http://ift.tt/1iBLBHa
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét