Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Du khách Australia kể chuyện về những trải nghiệm ở Việt Nam

Mark Bowyer là người sáng lập Rusty Compass, một trang web về du lịch chuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin, tài liệu về hình ảnh con người, danh lam thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực… Đó đều là ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà ông từng đặt chân đến bằng nhiều phương tiện như xe đạp, đi bộ, xe máy, xe buýt.

Ông dành khá nhiều thời gian để đi du lịch vòng quanh Việt Nam và Campuchia (từ những năm 1990). Mark đặt chân tới từ những điểm du lịch nổi tiếng đến các vùng nông thôn hẻo lánh để trải nghiệm cuộc sống bình dị của dân bản địa.

Chuyến đi gần đây nhất của Mark là đến vùng Tây Nguyên để khám phá văn hóa, ẩm thực… của cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở đây.

Trong hành trình đến Tây Nguyên bằng chiếc xe SUV (một loại xe thể thao đa dụng), điểm dừng chân đầu tiên là tháp Bằng An – một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại từ thế kỷ 19 ở tỉnh Quảng Nam.

du-khach-australia-ke-chuyen-ve-nhung-trai-nghiem-o-viet-nam

Ông Mark Bowyer trong chuyến đi đến Tây Nguyên. Ảnh: nytimes

Dưới cơn mưa phùn, ông men theo các con đường làng uốn lượn, hai bên là những căn nhà cấp bốn để vào đường chính dẫn đến tháp Bằng An. Ông quan sát thấy cảnh rộn ràng của người dân địa phương ngược xuôi trên đường trong chiếc áo khoác màu sắc rực rỡ.

Tòa tháp Chăm cổ Bằng An có kiến trúc độc đáo mang hình một “linga - biểu tượng của thần Siva” thẳng đứng được xây dựng bằng gạch đỏ có từ thời xa xưa. Tháp mang hình bát giác, chóp nhọn, thon tương phản khá rõ nét với màu sắc của những ngôi nhà gần đó. Khung cảnh nơi đây thanh bình và thoáng mát.

Mark cho biết: “Tháp Bằng An dường như cao và hẹp hơn so với lối kiến trúc của những ngọn tháp Chăm khác mà ông từng thấy”.

Kết thúc điểm dừng chân đầu tiên, ông tiếp tục hành trình của mình, từ bờ biển các tỉnh miền Trung đến vùng đất Tây Nguyên theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là lúc để ông tham quan các điểm du lịch ở Kon Tum, gặp gỡ, trò chuyện với dân bản địa sống trên vùng cao nguyên.

du-khach-australia-ke-chuyen-ve-nhung-trai-nghiem-o-viet-nam-1

Cuộc trò chuyện vui vẻ vớ dân bản địa nơi vùng cao Tây Nguyên. Ảnh: nytimes

Sau bữa trưa ăn uống nghỉ ngơi ở thị trấn Đắk Glei, ông dừng chân tại một ngôi làng ở huyện Đắk Tô tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà rông, nhà sàn truyền thống người dân tộc. Ngoài ra, nơi đây còn có khu di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh giáp biên giới Việt - Lào, từng là bãi đáp của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Ông rất thích thú khi được trò chuyện với những người bản địa bằng vốn tiếng Việt lưu loát của mình. Thậm chí một số người dân nơi đây khá ngỡ ngàng khi nghe ông nói tiếng Việt.

Nhận xét về những người nông dân, Mark chia sẻ: "Họ rất đáng mến. Chúng tôi ngồi với nhau và nói chuyện vui vẻ giữa cánh đồng, cảm giác mọi người kết nối với nhau theo một cách nào đó. Trải nghiệm này tuy giản dị nhưng rất đáng nhớ".

Những tia nắng buổi xế chiều xuyên qua các đám mây lơ lửng trên bầu trời, hành trình đến đây gần 10 giờ đồng hồ nhưng ông không cảm thấy mệt mỏi. Quan điểm của ông khi đi du lịch là phải đi được nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ, đó là điều quý giá nhất.       

Xem thêm:Khách tây chia sẻ kinh nghiệm đi xe đêm ở Việt Nam

Hoàng Thương (theo New York Times)



from Du lịch - VnExpress RSS http://ift.tt/1SvsThB
via IFTTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét