Trong 4 điểm cực mà giới phượt khao khát chinh phục, có lẽ cực Đông (bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) là điểm đến khó khăn nhất. Bởi để đến được chóp inox Mũi Đôi, bạn phải trải qua đoạn đường cát nóng trong thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, vượt đường rừng cây cối rậm rạp uốn thành vòm cao hơn đầu người, nhảy qua những ghềnh đá ven bờ biển… và cuối cùng là leo dây trên vách đá.
Để ra được đây, có nhóm còn đi lạc giữa đồi cát nóng hầm hập. Người ta ví đây giống như một sa mạc cát, nếu đi lạc sẽ khó định hướng để ra. Nhiều đoàn đi hết đồi cát rồi lạc vào những rừng cây, phải nhờ đến sự hỗ trợ của người dân gần đó.
Giữa bán đảo Hòn Gốm này, người hay trợ giúp, dẫn đường cho các nhóm chinh phục cực Đông phải kể đến chú Hai Châu. Chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “Chú Hai Cực Đông” sẽ ra rất nhiều kết quả kèm theo số điện thoại của chú.
Với gương mặt khắc khổ, đen sạm của người dân miền biển, hằn những vết nhăn nheo của thời gian nhưng chú lại luôn gây ấn tượng bởi nụ cười hiền từ dễ mến. Sinh năm 1958, chú Hai Châu tên thật là Võ Văn Châu. Năm 2011, vợ chồng chú ra bán đảo Hòn Gốm mưu sinh bằng cách nấu rượu và trồng chanh để bán.
Chú Hai Châu trong một chuyến dẫn đường xuyên rừng vào ban đêm. Ảnh: nguyenduc84 |
Lúc đầu một số nhóm phượt chinh phục cực Đông đều đến bán đảo Hòn Gốm nhưng vẫn chưa tìm đúng đường ra điểm xa nhất. Nhiều nhóm bị lạc đi lòng vòng rồi vào nhà nhờ chú Hai Châu dẫn. Sau này số điện thoại của chú được mọi người đưa lên nhiều diễn đàn du lịch, blog cá nhân, mạng xã hội… để mọi người liên lạc nhờ dẫn đường.
Tôi nhớ lần đầu chinh phục cực Đông, cả đoàn bị lạc giữa đồi cát. Nắng chiếu xuống cát, hơi nóng lại bốc lên mặt làm mồ hôi chảy đầm đìa. Cả một đồi cát nắng chang chang không một bóng cây. Từng bước chân nặng trĩu, lún trong cát nóng, mọi người ai nấy đều mệt mỏi. Lúc này tâm lý các thành viên trong đoàn dao động, muốn bỏ cuộc.
Qua sóng điện thoại chập chờn nghe câu được câu không, ấy vậy mà chú vẫn một mình cuốc bộ đi tìm chúng tôi không một lời ca thán. Nếu là người khác thì chưa chắc dám đi giữa cái nắng như vậy, với một bộ quần áo ngắn, một chai nước nhỏ cầm trên tay, một nụ cười móm mém. Từng đoạn, chú lại động viên chúng tôi cố gắng bước tới nhà chú để nghỉ ngơi.
Nếu đi bộ từ hướng bờ biển hay chạy xe gắn máy qua con đường cát đều vào được nhà chú. Một ly nước chanh muối được hái từ vườn nhà chú giúp tôi sảng khoái, giải tỏa cơn khát giữa trời nóng. Một góc nhìn thật đẹp ra phía sau nhà chú, màu xanh biếc của nước biển với những dãy núi đá xếp chồng phía bên.
Nhiều đoàn đã đi lạc ở bán đảo này, nhờ chú mà đã vượt qua cơn đói, cơn khát vì thiếu nước, thiếu đồ ăn. Ngoài ra chú còn nhiệt tình dẫn qua đoạn đường rừng để đến bãi Rạng. Đi một mình đã khó, nhưng có bạn bị ngất xỉu vì quá mệt, chú phải cõng cả một đoạn đường dài xuống chỗ có thuyền để chở về.
Tôi vẫn nhớ lần đầu đến cực Đông, khi màn đêm bao trùm bãi Rạng, 5 chú cháu ngồi bên bờ biển với chén rượu nồng, được nghe kể về chuyện đời của chú. Đó là kỷ niệm của chú trong những lần trợ giúp các bạn khác ra đây. Tôi nhớ mãi câu chú bảo: “Các cháu ra đây chú rất vui. Chú coi các cháu như con chú thôi”.
Gặp lại chú lần thứ 2, chú vẫn thế, vui tính và khuôn mặt đen nhẻm vì nắng nhưng luôn nhiệt tình đi đón các thành viên bị lạc hoặc mệt trên đường. Vợ chú vẫn nhận ra tôi, cái thằng lém lỉnh để lại câu nói cách đó một năm: “Bao giờ con gái chú lớn cháu sẽ quay lại thăm cô chú…”.
Giờ đây, từ nhà chú băng rừng ra bãi Rạng đã có nhiều người biết đường nên một số chọn cách tự đi. Tuy nhiên cũng vẫn có những nhóm tìm đến chú để đi cùng, hoặc nếu ai đi lạc cũng gọi chú nhờ được giúp đỡ. Đối với họ, chú Hai Châu chẳng khác gì một "ông bụt" thường xuất hiện mỗi khi họ gặp rắc rối.
Xem thêm: Gian nan hành trình chinh phục cực Đông
Nguyễn Sỹ Đức
from Du lịch - VnExpress RSS http://ift.tt/1Hx2NcO
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét